XUÂN TÂM AN LẠC
Trước khi đi vào vườn Xuân Tâm An Lạc nằm trên mảnh đất đạo lý, chúng ta thử dạo qua công viên xuân cảnh đang bày trí trên mảnh đất trần đời, xem coi sắc thái hai vườn xuân nầy có khác nhau ở chỗ nào. Tuy phân ra hai vườn xuân tọa lạc ở hai nơi, chớ kỳ thực cũng nằm chung một chỗ, chỗ đó là tâm thức của người thưởng ngoạn; và vườn hoa xuân đời thì có nở có tàn, còn vườn hoa xuân đạo thì miên viễn tỏa hương.
Đời của một người được chia làm bốn lứa tuổi, cũng như bốn thời kỳ của xuân, hạ, thu, đông: tuổi ấu thơ, tuổi thanh xuân, tuổi tráng niên và tuổi lão thành. Trong bốn lứa tuổi nầy, tuổi thanh xuân là thời kỳ lý tưởng nhứt cho mọi ước mơ và hưởng thụ. Nhưng đâu phải ai ai cũng trọn vẹn được niềm ước mơ, trọn vẹn được sự thụ hưởng của lứa tuổi thanh xuân ấy. Do đâu vậy ? Do điều kiện cuộc sống và tâm lý của từng người khác nhau mà sanh ra cái cảm nhận khác nhau về tuổi xuân, về ngày Tết đang đến với mình.
Nhìn chung, chúng ta thấy như là một dịp “đến hẹn lại lên”, Tết năm nào các đường phố, các công viên ở nhưng nơi thị tứ cũng đều rực rỡ cờ hoa; bàn tay khéo léo của con người đã góp công tô điểm cho ngày xuân thêm vẻ đẹp để mọi người cùng thưởng ngoạn. Suốt một năm làm lụng mệt nhọc, để rồi không ngần ngại vung tiền ra tiêu sái thỏa thích trong mấy ngày xuân mà người ta quan niệm “Chơi cho liễu chán hoa chê, cho lăn lóc đá, cho mê mẫn đời”[NGUYỄN DU]. Đó là quan niệm của những người may mắn, ăn nên làm ra, có lắm của nhiều tiền nhưng chỉ biết có mỗi việc là sống đựơc hưởng thụ là hạnh phúc nhất trần đời đối với họ. Còn đa số những người cũng vất vã làm lụng quanh năm, sống được qua ngày đã là may mắn rồi, có đâu dư giả để sắm sanh đầy đủ trong ba ngày Tết cho cửa nhà, con cái, nói chi đến chuyện chè chén bỉ bàng hay vui chơi nơi những chỗ phồn hoa đô hội ? Cho nên để diễn tả cái tâm trạng bi quan của người nghèo khó lại sống trong vòng kềm tỏa bởi chế độ hà khắc của thực dân Pháp, vào dịp ngày hết tết đến làm gì có mùa Xuân, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi Xuân đến gợi thêm sầu.
Với tôi, tất cả toàn vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
Ai đâu trở lại mùa Thu trước,
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng.
Với nhánh hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo Xuân sang.
Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Gió Thu góp lại cản tình Xuân.
Có một người nghèo không biết Tết
Mang liều chiếc áo độ Thu tàn.
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười vang.
Chao ôi mong nhớ ! Ôi mong nhớ !
Một cánh chim Thu lạc cuối ngàn”.
Nghĩa khổ đau là gì ? Khổ ở đây là chỉ cái cảm nhận những nỗi tủi buồn vì sự thiếu thốn, không đủ tiền mua quần áo mới cho con, sắm lễ lộc cho ông bà cha mẹ, tạc thù với bà con bè bạn ân nghĩa. Đau ở đây là chỉ cái cảm giác xót xa nhục nhã vì nỗi không tiền trả nợ để phải bị nhiếc mắng đủ điều. Có lẽ trong chúng ta, cũng có người đã từng trải qua cảnh ngộ nầy, xem như ngày Xuân, ngày Tết vô nghĩa, y như rằng ngày Xuân đã bị gió thu trong quá khứ hiện về “cản” lại, làm cho muôn cánh hoa mai rời rã mà người ta cứ ngỡ là những chiếc lá vàng rơi lả tả; làm cho đàn én lững lờ tản mác mà người ta cứ ngỡ là nhứng cánh chim của mùa Thu còn bay lạc đâu đây. Tuy nhiên, cho dù người ta ở vào hoàn cảnh nào chăng nữa, tâm trạng ngày đầu năm cũng tạm ổn định phần nào bởi phong tục chúc Tết lẫn nhau, đôi khi mang hình thức miễn cưỡng:
“Lẵng lặng mà nghe họ chúc nhau,
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu…”
Nhưng đối với người biết Đạo tu hành như chúng ta thì có khác. Dù ở vào hoàn cảnh giàu hay nghèo, dư giả hay thiếu thốn đều cũng giữ tâm bình thường, an theo mỗi phận của mình để cùng chọn lựa sự chung vui có ý nghĩa như lời Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Người tu chọn lựa sự chung vui,
Chia sớt niềm đau, chỗ ngọt bùi;
Kẻ đói, người no bao nở bỏ,
Những khi tiến mạnh, nhớ khi lui”
[TGST 1967 trang 100]
Chắc có người sẽ hỏi: “Tôi nghèo khổ quá thì làm sao chung vui với ai được ?”. Xin thưa là được ! Được ở chỗ nào ? Ở chỗ chúng ta có cái TÂM XUÂN. Khi đã có cái Tâm Xuân thì mình có thể cùng chung vui, tạo ra sự AN LẠC cho mình và cho người khác. “Kẻ đói, người no bao nở bỏ”, là chia sớt niềm đau nỗi khổ, cảm thông, an ủi, động viên người nghèo để họ cùng cảm thấy an ổn trong lòng mà chấp nhận cuộc sống hiện tại và vững chí vươn lên. “Những khi tiến mạnh, nhớ khi lui” là cho dù chúng ta có được cái may mắn ăn nên làm ra, trong túi có rủng rỉnh tiền, nhà cửa có sênh sang thì cũng không quên những lúc túng cùng chạy ăn từng bửa. Có từng trải cảnh thiếu trước hụt sau mới thương người nghèo khó. Bởi vì, nếu chúng ta công nhận rằng: Tâm giác ngộ là tâm Phật, Tâm mê muội là tâm Phàm, thì cũng sẽ hiểu rằng: Tâm an lạc là Tâm Xuân sanh ấm áp, còn tâm phiền não là Tâm Đông tàn giá lạnh vậy.
Nhưng con người cùng vạn vật vẫn phải chung chịu qui luật luân chuyển của bốn mùa chi phối, nên không thể nói có Xuân là Xuân mà không từng trải qua những ngày Đông tàn lụi.
Thật vậy, không có sự sinh thành hay phát triển nào mà trước đó không hề có sự hủy thể lụi tàn như triết học Max cũng đã từng khẳng định: “Sự vật sẽ không phát triển được, nếu nó không tự hủy diệt hình thức trước kia của nó”. Kiếp phù sinh của chúng ta cũng thế. Hình thức trước đây của chúng ta bị bao bọc bởi những lớp bụi của sự phỉnh phờ, tham lam, gian trá; của sự đố kỵ thù hằn; của sự đam mê vật chất, làm che mờ linh tánh của Trời ban nên không thể tự phát triển đến điểm hoàn thiện của một con người chính danh, nói chi tiến bộ lên hàng hiền nhân thánh triết. Chỉ có tỉnh giác giũ bỏ đi hình thức mê lầm trước kia, thoát ra cai vỏ ốc chấp ngã ngàn đời trước kia thì mới phát tiết được mầm Thánh thiện vươn cao từ chỗ sa đọa; mới thanh lọc được cõi lòng trở nên thanh thản bao dung không còn bợn nhơ của loạn ly sai biệt, cũng như mùa Đông lớp lá cũ già khô của cỏ cây đều rơi rụng nép mình tàng ẩn để mầm xanh khác sinh sôi nảy nở cho mùa Xuân sum xuê hoa lá.
Mượn Xuân cảnh ngoài đời để chỉ Xuân Tâm, có xuân tâm là có Xuân Đạo. Chúng ta suy ra từ những vế thi bài của Đức Chí Tôn dạy sau đây:
“Xuân phúc tải Kiền Nguyên chi đức,
Xuân thái hòa vạn vật chi cơ;
Xuân sang trước đã định giờ,
Xuân về cho trẻ phục sơ tánh lành”.
Xuân phúc tải Kiền Nguyên chi đức 春 覆 載 乾 元 之 德 có nghĩa là: mùa Xuân che chở cho cái đức Kiền Nguyên của Trời, vì hành vận bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông đều bao gồm bốn đức Nguyên Hanh Lợi Trinh, ứng với bốn đức của con người là Nhân Nghĩa Lễ Trí, mà mùa Xuân thuộc đức Nguyên. Nguyên là ban đầu, là đầu mối xuất phát của vạn vật, là tiền đề của mọi sự tốt lành. Tính chất Kiền Nguyên vốn mạnh mẻ phấn phát theo trật tự của tự nhiên, nên không vật nào mà Đạo Kiền không che chở, như bài kinh xưng tụng Đức Ngọc Hoàng, cũng ngụ ý mô tả cái đức Kiền Nguyên hay “Càn kiện cao minh” của Trời để người tu theo đó mà bắt chước làm theo Đạo Trời.
Chúng ta vừa nâng ly nhấp chung Thánh tửu, “men rượu” tượng trưng cho tâm chí thành, hòa cùng “men Đạo” là sự hiệp thông cùng Đức Chí Tôn, mà Đức Chí Tôn cũng chính là Đạo. Đạo thì bàng bạc khắp nơi, ngay cả ở quanh ta, chỉ vì dường như có dường như không nên nhiều khi ta không nhận ra được Đạo. Nhưng chung qui “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”. Lòng mình ở vào trạng thái chí thành thì có thần linh hiển trợ; có chí thành thì đức tin vững chắc; có tin Thầy tin Đạo thì mới tin tưởng lẫn nhau; tin tưởng lẫn nhau thì không còn ranh giới của chấp nê bảo thủ rằng tôi đúng huynh sai, dung hòa được cái đúng sai tức là bổ cứu cho nhau không còn sai đúng, để còn lại sự hòa hiệp trong một khối tinh thần thống nhất mà thôi.
Hành vận của hơi thở vào ra của chúng ta đều rập theo hành vận của Đạo. Khi hành đạo hay đối nhân tiếp vật thì ứng dụng hòa khí yêu thương, làm mà như không làm; làm theo vô vi nhi dịch sử quần linh tức là “oát”; khi trở về nghỉ ngơi thì cõi lòng yên tịnh, tức là “triền”: Oát triền vô biên không lúc nào gián đoạn; phát ra, thâu vào rập ràng một cách tự nhiên ấy là cái đức của Kiền Nguyên, của “Càn kiện cao minh” vậy.
Xuân thái hòa vạn vật chi cơ 春 太 和 萬 物 之 基 có nghĩa là: nền tảng của vạn vật là mùa Xuân thái hòa, ứng với quẻ Thiên Lôi Vô Vọng của nửa tháng đầu năm, có nghĩa là chí thành chí chánh, không đảo điên vọng động. Quẻ trên là Càn kiện, tượng cho sự dũng mảnh tiến dương bên trong, lúc nào cũng nhất niệm thuần chơn không gián đoạn; quẻ dưới là Chấn động, tượng cho sự thể hiện hành vi đạo đức bên ngoài, lúc nào cũng tinh tấn, ý chí không thối chuyển.
THIÊN LÔI VÔ VỌNG 天雷無妄
Xuất phát từ ý nghĩa ấy, chúng ta muốn có xuân tâm an lạc thì phải quay về nguồn sống Đạo, thông cùng trời đất và hòa cùng muôn vật, cùng thiên nhiên. Cho thiên nhiên những gì nên cho, nhận nơi thiên nhiên những gì nên nhận, không vì lòng tham và sự hững hờ mà vắt kiệt sinh lực thiên nhiên, đáp trả thiên nhiên bằng những tử khí ô trược để rồi hủy hoại môi trường thiên nhiên và cũng chính là tự hủy hoại môi trường sống của mình.
Qua quan sát khí tiết của mùa Xuân, ta cảm nhận được cái đức Nguyên của Trời và hình tượng thái hòa trong vạn vật để sống cho hợp lý Đạo, trở lại tánh thiện ban đầu thì mùa xuân đối với chúng ta rất có ý nghĩa.
“Xuân cảnh thế đấu tranh hỗn loạn,
Xuân thiên nhiên soi sáng tâm điền;
Xuân Tâm hòa nhịp thiên nhiên,
Xuân Thiên Nhiên với Tâm Điền không hai.
Xuân sắc điểm nhân tài sứ mạng,
Xuân phong thừa ngọc bảng đề ghi,
Xuân về, xuân lại, xuân đi,
Thời gian vô tận, xuân thì vô chung.
Xuân khai thới trần hồng thưởng thức,
Xuân dịu hòa với đức hiếu sinh;
Xuân nầy con trẻ khai minh,
Hoàn thành sứ mạng trọn gìn Đạo Xuân”
[TGST 1973 tr 89-90]
Tại sao Thầy nói Xuân cảnh ngoài đời chỉ có đấu tranh và hỗn loạn ? Như chúng ta thấy đó, xuân cảnh của hầu hết người đời được tạo nên bởi sự bon chen tranh cạnh. Về thân thể, thì ai cũng muốn cho mình luôn trẻ mãi lâu già, đẹp mãi với thời gian, nên phải dùng những phương dược quí hiếm để bồi bổ; những loại mỹ phẩm cao cấp để gìn giữ nét thanh xuân, chống lão hóa. Về nhà cửa, ai cũng muốn trang trí cho nhà mình được sum sê với những chậu hoa mai đắc giá, những bộ bàn ghế sang trọng, tủ thờ bằng gỗ quí có cẩn sa cừ, v.v.. Nếu mọi người đều sống theo tham vọng vật chất, bất chấp thủ đoạn để đạt yêu cầu cho bằng được thì chẳng hóa ra trường đời thành một cuộc hỗn loạn vì những đấu đá, vì những cạnh tranh với nhau sao ?
Đối với chúng ta, Thầy khuyên nên dựa vào ý xuân thiên nhiên để soi sáng mảnh Tâm điền, làm thế nào cho mảnh ruộng xuân tâm thật sự hòa cùng xuân cảnh thiên nhiên để thành một sắc xuân miên viễn. Khi ngắm nhìn xuân cảnh thiên nhiên, ta thấy:
“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”[NGUY ỄN DU]
Nếu ta tự hỏi hình ảnh của đám cỏ non đang vươn lên, những cành hoa đang rộ nở kia đã nói lên điều gì, thì trong yên lặng của mảnh tâm điền sẽ lóe sáng lên câu trả lời rằng: mầm non nứt mộng đâm chồi, cành hoa nở nhụy bung cánh tỏa hương là do đúng thời đúng tiết nó phải sanh phải nở chớ không do cái gì khác. Hoa nở không vì khách thưởng xuân mà nở, lá rụng không vì Thu sầu mà rụng. Tự nó không khoe không cầu cho nên từ thời thượng cổ đến nay con người đã tốn biết bao giấy mực để ca tụng vẻ đẹp cao khiết của hoa lá cỏ cây.
Thầy bảo: ai là nhân tài sứ mạng thì hãy trang điểm cho mình cái sắc xuân thiên nhiên, và cỡi gió xuân ấy mà đi xem bảng ngọc có đề tên mình trong đó, không chỉ ở ba ngày Tết mà là từng chuỗi ngày, chuỗi tháng, chuỗi năm và đến cả chuỗi đời đề điểm xuyết sắc xuân nội tâm, mặc cho xuân thời tiết có đến có đi, có qua có lại, chúng ta vẫn xem xuân lòng là vô thỉ vô chung với thời gian vô tận. Như đã nói, mùa xuân là khởi đầu trong bốn mùa của một năm, là hình tượng đức Nguyên của Trời và đức Nhân của người, đức Nguyên hay đức Nhân cũng đều là đức hiếu sinh, chứa đầy tình yêu thương nhơn vật. Đức Chí Tôn dạy tiếp:
“Tình Tạo Hóa ban đều vũ trụ,
Đức háo sanh bao phủ càn khôn;
Chuyển luân nhật nguyệt vong tồn,
Cỏ cây vạn vật vô cùng hóa sanh.
Mùa Xuân ấy Trời dành vạn vật,
Mùa Xuân là tánh chất nước non;
Chuỗi đời trăm hạt xây tròn,
Xuân về xoa dịu hàn ôn chuỗi đời”
[TGST 1965 tr 16]
Nếu bảo rằng chúng ta tu theo Đạo Trời là phải tuân thủ luật thiên nhiên như loài hoa nở vì nở chớ không vì ai mà nở, rồi buộc chúng ta tu thân hành đạo vì tu thân hành đạo thì có vẻ mình biến thành vô tri vô giác sao ? Việc tu hành, mình đã không vì danh vọng, cầu lấy tiếng khen và sự tôn kính; đã không vì lợi lộc, cầu lấy sự vinh thê ầm tử; đã không vì chức quyền, bon chen cầu lấy ngôi vị hữu hình; đã không vì trốn tránh trách nhiệm làm người cực khổ để cầu làm tiên làm thánh sướng hơn, thì tu hành để vì cái gì đây ? Nếu không vì cái gì thì khó tạo được động lực tinh tiến trên đường tu. Và đây, Đức Mẹ đã cho chúng ta biết nguyên do nào mà chúng ta cần phải lo tu:
“Buồn thương con trẻ mãi say mê,
Lặn hụp trần lao chưa chịu về;
Tứ khổ bốn tường giam trẻ mãi,
Làm con quên mất những lời thề.
Thề rằng xuống thế luyện linh đơn,
Hành đạo giúp đời tế độ nhơn;
Công quả, công trình tu luyện kỷ,
Vẹn tròn phận sự phục lai huờn”.
[TGST 1972-CQPTGL tr 52]
Thế nên, chỉ có tạo được Xuân Tâm thì mới có An Lạc. Cái tâm ví như thửa ruộng gọi là Tâm Điền 心 田, cũng căn cứ từ đó mà Ngài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mới nói “Phá điền Thiên tử xuất 破 田 天 子 出”, con Trời là Tiểu Hồn của vũ trụ, có nghĩa là bỏ công ra khai hoang phục hóa thửa ruộng 田 nầy, chúng ta sẽ thấy chữ Vạn 卍 của Phật, chữ Thập 十 của Chúa và chữ Chủ 主(vương 王) trong “Lưỡng quang chủ tể 兩 光 主 宰” của Đức Cao Đài. Khi mảnh ruộng nầy được “soi sáng” thì rõ ràng trong ba ngôi Tam Tài có ta trong đó. Thầy dạy tiếp:
“Thầy ngự trong lòng mỗi chúng sanh,
Chúng sanh giác ngộ biết tu hành;
Thương yêu mựa tách người khôn dại,
Điều độ đừng chia kẻ dữ lành.
Tiên Phật không riêng quyền với tước,
Thánh Thần chẳng lựa lợi hay danh;
Đạo tâm mới hiểu Tâm Xuân quí,
Xuân ở Xuân Tâm, Đạo sớm thành”.
[TGST 1969 tr 87]
Nghe qua bài thi trên, chúng ta hiểu Thầy luôn ngự trong Tâm Điền, Tâm Xuân hay Tâm Đạo của chúng ta. Nếu không dọn dẹp mảnh ruộng tâm sáng sủa để cho cỏ dại của dục tình, của tham sân mọc lên làm che lấp chữ Phật chữ Chúa đi thì làm sao Thầy ngự trong đó được. Dọn cỏ nơi thửa ruộng ngoài đồng thì dùng chiếc phảng bằng thép mà phát, còn dọn dẹp cỏ dại nơi mảnh ruộng trong tâm thì phải dùng chiếc phảng trí tuệ mà phát, và cái phảng trí tuệ nầy được trui rèn bởi ngọn lửa tình thương; ngọn lửa tình thương được cháy lên từ nhóm than hồng của đức Càn Nguyên Cao Thượng Chí Tôn. Nhờ chiếc phảng trí tuệ nầy mà đám cỏ dại của tình thức tục trần không còn nơi nhen nhóm mọc lên để dành chỗ cho muôn hoa của từ bi hỉ xả bừng nở tỏa ngát mùi hương thánh thiện, giúp cho cuộc đời tu hành của mình và cả những cuộc đời liên hệ đều hưởng chung sự yên ổn và vui tươi. Bởi lẽ:
Có tình thương thì không hờn giận, dễ tha thứ người làm lỗi với mình; không để bụng thù ghét người đố kỵ bài xích mình.
Có tình thương thì không khinh khi kẻ nghèo hèn, khờ dại; không bợ đỡ người giáu có, khôn ngoan; cùng chung vai gánh vác công việc đạo, càng gian khó thì càng thương yêu đoàn kết nhau hơn:
“Nếu con giữ lập trường chánh đạo,
Nếu con gìn lời bảo Chí Tôn:
Nâng đứa dại, học người khôn,
Nhủ khuyên kẻ quấy, bảo tồn người nguy.
Gìn hạnh đạo từ bi, bác ái,
Thuận lòng Trời nhơn ngãi thương yêu;
Giữa cơn nắng sớm mưa chiều,
Bao nhiêu gian khổ, bấy nhiêu hợp quần”
[TGST 1965-CQPTGL tr 18]
Có tình thương thì hay bao dung kẻ dữ và chiêu nạp người hiền, lấy vô lượng tâm mà dìu độ lẫn nhau. Cũng như mùa xuân vốn dĩ có dành riêng cho ai đâu ? Đức Mẹ dạy :
“Xuân chẳng riêng gì với một ai,
Cũng không Nam Bắc lại Đông Tây;
Xuân chung thiên hạ trong trời đất,
Riêng ở lòng con chốn cõi nầy”.
[TGST 1969-CQPTGL tr 96]
Cũng trong những ngày Xuân, Thầy gợi cho ta nhìn thấy đất trời, cỏ cây hoa lá đều theo qui luật vận hành của vũ trụ dưới quyền năng của cán cân công bình Tạo Hóa, để sống theo lối an mạng thuận thời. tất cả những biến chuyển về may mắn hay rủi ro, bình yên hay bão tố, thạnh thời hay loạn thế đều do nhân quả đấp đổi mà thành hình. Tùy cảnh ngộ mà an theo. không oán Trời trách người khi sự kiện xảy ra không toại ý, rằng tại sao công lao tu hành của con như vầy mà phải gặp bao điều oan trái ? Không buồn tủi than van, rằng con chí tâm thành khẩn theo đạo như vầy mà phải cam chịu trong vòng túng quẩn, tai ương ?
Đức Lý Giáo Tông chiếu điễn thấy tâm trạng của chúng ta cũng còn đang bối rối trước nẻo đạo đường đời, nên ban lời khuyến dụ:
“Đừng sợ khổ toan bề thối thác,
Đừng vì buồn mà lạc căn xưa;
Dày công trong kiếp muối dưa,
Thăng trầm có lúc, nắng mưa có hồi.
Càng biến chuyển càng bồi đạo hạnh,
Càng truân chuyên càng gánh gồng nhiều;
Mặc dầu trong cảnh hẩm hiu,
An vui số phận, dắt dìu đệ huynh”.
[TGST 1965 –CQPTGL tr 28]
Trong những ngày đầu năm gặp nhau, ai cũng chúc cho nhau những điều tốt đẹp, mà lời chúc an vui cho mọi người, mọi nhà thì không thể thiếu. Nhưng đó chỉ là hình thức của phong tục, tỏ ý quan tâm đến nhau trong khoảnh khắc bắt đầu niên trình mới, chưa chắc niềm An Lạc thật sự ứng hiện đúng theo lời chúc. Tuy nhiên, đối với người tu học thì lời chúc ấy coi như là phương châm, là lời nhắc nhở cho việc tu thân ở thời điểm tiên khởi của xâu chuỗi năm có mười hai hạt. Thường thì ta nhận được câu: “Chúc huynh (tỷ)năm mới thân tâm an lạc”. Vậy cái “an lạc” nầy do tha lực thiêng liêng ban cho hay từ trong tâm phát ra ? Theo tôi là do cả hai, như hễ có cảm thì có ứng, có nhân thì có quả.
Đức Mẹ cũng xác định: “Tứ quí nhơn gian, Xuân tại thủ; bá niên thế thượng Đạo duy tân 四 季 人 間 春 在 首; 百 年 世 上 道 隹 新 ”[TGST 1969-CQPTGL tr 96] : Trong bốn mùa của cõi người, mùa Xuân là đứng đầu; trăm năm ở trên đời, chỉ có Đạo là mới”. Tại sao Đạo là lý âm dương xoay vòng có trước khi tạo thiên lập địa mà lại nói là mới ? Thật ra “dưới ánh mặt trời không có gì mới cả”. Sở dĩ nói chỉ có Đạo là mới, vì Đạo là một thực thể vô hình mà người ta hay bỏ quên nó, cho nó là cũ. Nhưng cái cũ của từ thời vô thỉ ấy vẫn tồn tại tới bây giờ và mãi mãi, thì cái cũ ấy đâu phải là già nua; đã không già nua thì là trẻ thơ; đã trẻ thơ tức thị xuân xanh mà xuân xanh là hình tượng của sự bất đầu cho sự sống mới. Vậy Đạo không thể ví như Xuân Mới được sao ? Cho nên Thầy mới nói: “Đạo tâm mới hiểu Xuân Tâm quí. Xuân ở Xuân Tâm, Đạo sớm thành” là hàm ý đó.
Vậy, một năm được an lạc, một đời được an lạc là do đem Đạo vào Tâm, muốn cho Đạo vào Tâm thì làm theo của Đức Càn Nguyên của Đấng Đại Từ Phụ; làm theo ý nghĩa của quẻ Thiên Lôi Vô Vọng như đã trình bày bên trên, chúng ta sẽ thường xuyên có được XUÂN TÂM AN LẠC trong từng chuỗi ngày, chuỗi tháng, chuỗi năm và cả chuỗi đời vậy./-
THANH CĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét