Bài đăng nổi bật

Ý NGHĨA ĐẠO TRỜI NGÀY MÙNG 9 THÁNG GIÊNG Mỗi năm, cứ đến ngày Mùng 9 tháng Giêng, toàn đạo Cao Đài đều thiết lễ Vía Thầy, Đức Ngọc Hoàng ...

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

ĐẠO NGHĨA HÒA BÌNH


ĐẠO NGHĨA HOÀ BÌNH

       Những năm đầu của Tiên Thiên Đại Đạo, Thầy đã dạy: “Lập Tiên Thiên Thầy trao gánh nặng”, nhưng hình như từ đó đến nay qua mấy thế hệ tiếp nối, chúng ta vẫn chưa được nghe sự xác định rõ ràng nào về cái “gánh nặng” mà Thầy đã trao cho phái đạo Tiên Thiên. Có xác định được “gánh nặng” dung chứa những gì trong đó thì chúng ta mới lập tâm thay nhau chung vai gồng gánh, chớ nếu không biết trong gánh  bao gồm những gì mà c “hò-dô-ta gánh !” thì cầm bằng gánh một gánh không, chẳng ơn ích cho ai cả. Và gánh nặng đó chính là: ĐẠO NGHĨA HOÀ BÌNH  mà hôm nay, nhân dịp Lễ Kỷ Niệm ngày Liên Hoan Cầu Nguyện Hoà Bình, tiện đệ xin mạn phép được hầu chuyện cùng quí vị về đề tài trên.

          Trong hai thập niên đầu của nền Đạo Cao Đài do nhiều nguyên nhân dẫn tới sự phân chi rẽ phái mà bản thân phái Đạo Tiên Thiên do Đức Chí Tôn dạy thành lập kèm theo dự ngôn về một Hội Thánh quyền pháp tương lai từ Đại Hội Thiên Hoàng mùng 8-9 tháng Giêng năm Giáp Tý (1924) tại Thiên Thai Tịnh là không thuộc hệ “nhất bổn tán vạn thù” ấy:

                   “Thầy truyền lập Tiên Thiên Đại Đạo,
                   Chuyển Ba Kỳ tái tạo phục nguyên;
                             Hậu sau ra đứng trước tiền,
               Cờ hồng lố dạng là điềm thới lai.
                   Nêu chủ nghĩa anh tài hào kiệt,
                   Con đứng đầu qui hiệp vạn linh;
                            
Cơ quan Hội Thánh hữu hình,
               Pháp quyền sứ mạng nhơn sinh bá Tòng.
                   Tòng, nhìn trẻ luống thương thay !
                   Thầy chọn giao con hiệp Bửu Tài;
                   Lập mối Tiên Thiên gầy quốc đạo,
                   Dựng nền chơn giáo hiệu Cao Đài”.

Cho nên, kể từ đó trở về sau, bằng vào sự vận chuyển của Huyền linh, cơ Đạo Tiên Thiên qui tụ được những bậc đại căn trong hàng Thất Thánh Thất Hiền và hình thành Bàn Chưởng Quản Tiên Thiên với sứ mạng hoằng khai Đại Đạo và cổ suý tinh thần qui nguyên, hoà hiệp chi phái, cụ thể qua các hoạt động mở mang Tịnh trường, Tinh đàn; liên giao hành đạo cùng với Liên Hoà Tổng Hội và công cuộc truyền đạo miền Trung. Đồng thời vận động toàn đạo cầu nguyện quốc thới dân an, hoà bình nhơn loại, điển hình là Đại hội Cầu Nguyện Hoà Bình tại thánh tịnh Bắc Đẩu Cung, núi Cấm, do Anh lớn Lê Thành Thân chủ trì cuộc Lễ hồi năm 1938. Hầu hết những hoạt hoạt động đó của các bậc tiền bối Tiên Thiên đều nhằm vào “gánh nặng” của sứ mạng vì “Đạo nghĩa Hoà bình” mà mãi đến năm 1968-1970 khi huyền linh chuyển lập Đài Ngưỡng Thiên, Đức Lý Giáo Tông mới ban cho bốn chữ đó để sử dụng cho Đại Hội Liên Hoan Cầu Nguyện Hoà Bình.


Vậy ý nghĩa đầy đủ của bốn chữ Đạo Nghĩa Hoà Bình là gì ?
          Đạo nghĩa 道義: Nguyên tắc đạo đức phải làm như một nghĩa vụ tất yếu. Hoà bình 和平: Sự yên ổn từ nội tâm đến ngoại cảnh; sự hoà hiệp thuận thảo. Đạo nghĩa hoà bình: Nghĩa vụ đạo đức phải làm là lập lại sự bình an cho nội tâm và bình an cho ngoại giới (thế giới bên ngoài).

          Nghĩa rộng: Bổn phận của người đạo Tiên Thiên là làm cho nội tâm được bình an, cầu nguyện và gieo rắc sự bình an cho mọi người nơi ngoại giới, như câu:
Tâm Hoà vạn vật cũng hoà,
“Tâm Bình thế giới gần xa đều bình”.

HOÀ BÌNH NỘI TÂM:

          Hoà bình nội tâm hay sự bình an nội tại là trạng thái tinh thần khoẻ mạnh, không băn khoăn, không căng thẳng, không phiền não bởi những tác động từ ngoại cảnh. Ngay từ buổi đầu lập Đạo, Đức Chí Tôn đã chiếu điển thấy rõ tính khí của mỗi con cái của Ngài, ít nhiều gì cũng huân tập những nghiệp xấu trải qua bao đời kiếp rồi, nên Ngài bèn ban cho bài Thánh ngôn về Sự Thương Yêu trước hết, kế đến là bài Ngũ Nguyện trong nhựt dụng thường hành, để con cái của Ngài tự mình chuyển tâm phàm ra tâm thánh; từ tâm loạn động ra tâm an định; từ tâm phiền não ra tâm bồ đề…để có đủ năng lực nhận lãnh sứ mạng hoằng khai Đại Đạo, phổ độ quần sanh. Do đó, chúng ta cảm nhận được ý nghĩa về năm câu nguyện rằng:
          Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai, hay Nhì nguyện phổ độ chúng sanh đều phải do hàng “thế Thiên hành hoá” bằng xương bằng thịt đứng ra mở rộng, truyền bá Đại Đạo, chớ các Đấng Thiêng Liêng vô hình bất quá là mặc trợ thôi chớ có hoá thân xuống trần mà “hoằng khai” hay “phổ  độ” đâu ?

          Tứ nguyện thiên hạ thái bình hay Ngũ nguyện Tịnh Thất an ninh, chẳng lẽ các Đấng hạ trần dùng quyền phép hô biến cho thiên hạ thái bình âu ca lạc nghiệp trong khi “thiên hạ” cứ nổi loạn với nhau vì tranh giành quyền lợi ? Chẳng lẽ các Đấng giáng điển ban phép lành cho thánh tịnh, thánh thất, toà thánh được an ổn khương ninh trong khi nội tình chức sắc và bổn đạo nơi đó luôn cứ “thượng bất hoà hạ bất  mục” hay “thượng bất chánh hạ bất minh” ? Hoặc giả, chúng ta cứ yên trí rằng: “Cầu Thượng Đế từ bi ân xá /Nguyện Phật Tiên bố hoá điển lành /Hoà bình thể hiện háo sanh /Là cơ sanh hoá thuận hành cơ thiên” rồi ngồi đó chờ đợi chư Phật Tiên tu hành theo thiên cơ giùm mình; chờ đợi Đấng Thượng Đế bố đức háo sanh xuống để ân xá cho cái tội sát sanh triền miên của mình ?

          Chẳng lẽ Đức Lý Giáo Tông dạy lập Đài Ngưỡng Thiên với những thiết kế biểu tượng để mọi người nhìn cho đẹp mắt mà không mang ý nghĩa gì ?
Nếu có hàm chứa ý nghĩa thì ý nghĩa đó để dành cho chúng ta bàn luận trong lúc trà dư tửu hậu, hay là để chúng ta suy nghiệm và thực hành ngỏ hầu lập lại hòa bình ở nội tâm trước khi gieo mầm hòa bình nơi ngoại giới ? Đức Lý Giáo Tông dạy:

                   Để cho đời nghiệm sâu LÝ ĐẠO
                   Kêu chư hiền dựng tạo Đài tiền…”

          Năm 1970, trước ngày Đại hội Liên Hoan Cầu Nguyện Hoà Bình, Đức Lý Giáo Tông dạy về thiết kế chi tiết xây dựng Đài Ngưỡng Thiên, trong đó có những chi tiết tượng trưng cho lý đạo mà người tu chơn cần nghiệm sâu để từ cái “sự” thông suốt được cái “lý”, tránh những sai lầm trong việc tu tâm luyện tánh, như:


          1 Đài Ngưỡng Thiên đặt trên Hồ Bát Quái: Phía trên ám chỉ hướng Nam thuộc cung Ly , đàn Nam Giao tế Trời của vua chúa thời xưa đặt ở hướng Nam để vọng về hướng Bắc (Bắc Khuyết) thuộc cung Khảm để tế lễ. Ta liền thấy xuất hiện quẻ Thủy Hỏa Ký Tế 水火既濟.  

Ý nghĩa của quẻ Dịch nầy về chơn đạo là:

Luyện Mạng: Âm Dương giao hoà, tồn Tinh dưỡng  Thần, lửa (Thần) tiếp nhận được Khí nhờ nước (Tinh) hoá thành.

Tu Tánh: Mượn nơi hiểm trở khó khăn để tồn dưỡng cái đức sáng tâm linh, và rồi trở lại dùng cái sáng bên trong ấy mà chế ngự cái hiểm nguy thử thách bên ngoài. Tốt nhất là không tách rời hai cực cương-nhu, cứng-mềm, nên tuỳ thời mà hành xử để “phòng nguy lự hiểm”(ngăn ngừa sự nguy khốn, dự liệu sự hiểm trở). Với ý nghĩa đó, Đức Lý Giáo Tông dạy:

“Nơi Ngọc Sơn Quang nầy đã tạo nên lịch sử muôn đời cho giáo sĩ Cao Đài [Ly-Minh], vậy chư hiền hãy gìn lấy di sản tinh thần ấy, vì bọn quỉ vương luôn cám dỗ chư hiền, hăm he chư hiền để rồi tự tay chư hiền bôi xoá cả công trình gầy dựng từ lâu [Khảm-Hiểm]. Hội Thánh có hiểu chăng ? Chư hiền khá nghiệm suy…
 [Đàn cơ tại TT.NSQ 1968]


 2 Tầng dưới có 4 cửa, phía ngoài cửa có 4 trụ phướn Linh tượng trưng Tứ Tượng (Đông: Thanh Long, Tây: Bạch Hổ, Nam: Chu Tước, Bắc: Huyền Vũ), và nếu cộng thêm 1 trụ phướn trên đỉnh Đài nữa sẽ là biểu tượng cho Ngũ Hành (Đông-Mộc, Tây-Kim, Nam-Hoả, Bắc-Thuỷ và Trung ương Mồ-Kỷ-Thổ) hay Ngũ Khí triều nguyên, tức là tu luyện nguyên khí của Ngũ tạng làm cho nó trụ lại ổn định,

không bị hao tổn.

Sách Tính Mệnh Khuê Chỉ có ghi:
 “Thân bất động thì Tinh ổn định và Thủy triều nguyên.
Tâm bất động thì Thần ổn định và Hỏa triều nguyên.
Chơn tánh tĩnh lặng thì Hồn ổn định và Mộc triều nguyên.
Dục vọng không còn thì Phách ổn định và Kim triều nguyên.
Tứ đại bình yên điều hòa thì Ý niệm ổn định và Thổ triều nguyên”.
“Tinh Thần Hồn Phách Ý,
Hoà hợp tại Trung Cung,
Tĩnh cực Thiên Tâm hiện
Thần minh tự nhiên đến”.

NGŨ HÀNH


Còn Tứ Tượng theo Dịch lý thì Thái dương Hỏa, Thiếu dương Kim do Dương nghi sanh ra; Thái

âm Thủy, Thiếu âm Mộc do Âm nghi sinh ra.          




3 Chung quanh đỉnh Đài đặt 72 lư trầm hương và 36 lồng đèn hoa sen ở tầng dưới, cộng lại đều là số 9. Con số lão Dương nằm trên đỉnh của trục thẳng chính giữa trong Lạc Thơ. Lạc Thơ được ứng dụng vào nhiều lãnh vực, nhưng ở đây chỉ vào lãnh vực khắc kỷ tu thân để hoàn nguyên phản bổn. Số 5 (số sinh của Trời) ở trung tâm là chỉ nơi quê cha đất tổ, nơi đặt chữ Tín làm nền để nhân, nghĩa, lễ, trí căn cứ vào đó mà biến  hoá theo Thiên Tâm (chính giữa), đổi Hậu thiên trở lại Tiên thiên chính là tại Lạc Thơ. Người tu chơn đều căn cứ vào Lạc Thơ để điều chỉnh cho “tam ngũ  hiệp  nhứt “ hay “tam gia tương kiến”.



              
                LẠC THƠ
4 Hình tượng sáu rồng chung quanh đỉnh biểu tượng cho 6 hào trong quẻ Bát thuần KIỀN , ứng với câu “Thời thừa lục long, du hành bất tức ” trong bài Ngọc Hoàng Kinh. Sáu rồng ám chỉ 6 hào dương,  hào đầu gọi là “sơ cửu” đọc từ dưới lên trên. 

                  






Hào sơ cửu: Rồng còn tiềm ẩn, đức cương kiện mới chớm sinh, chưa dùng được. 

Hào cửu nhị: Cương kiện mà được trung chính; cương nhu tương đương nhau, tài đức trung bình như rồngvừa xuất hiện trên ruộng mà không để mất thiên lương, nên mới nói “lợi kiến đại nhơn”.

Hào cửu tam: Người quân tử suốt ngày cần mẫn với nhiệm vụ, đêm quán sát ưu khuyết, nghiêm khắc với mình thì không có lỗi. Hào cửu tứ: Đức kiện đã thành tựu, xét kỹ thời vận mà tiến thối. Người tu đơn thì đắc thánh thai chờ ngày thoát hoá, như rồng vượt khỏi vực sâu, không sợ lầm lỗi.

Hào cửu ngũ: Tài đức đủ đầy, vừa cương kiện vừa trung chính. Người tu đơn thì có nhị xác thân,

tuỳ nghi xuất nhập. Đây là lúc gặp được “đại nhân”
(cảnh giới thiêng liêng).

Hào thượng cửu (6): Cương kiện thái quá, biết tiến mà không biết thối giống như con rồng kiêu căng ắt chuốt lấy thất bại, tức có điều ân hận. Nên khi Đức Khổng Tử đọc đến đây, bèn thêm vào hào Dụng Cửu: “Kiến quần long vô thủ 見群龍旡首”: thấy bầy rồng không đầu. Không đầu không phải mất đầu mà là dấu đầu đi: cương quá phải nhu mới không bị sứt mẻ; tài đức quá phải khiêm tốn hạ mình hoặc ẩn dấu đi mới tồn tại, vì:
 “Có tài mà cậy chi tài,
     Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
     Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
     Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
[NGUYỄN DU].
         
5 Bên trong chính giữa tầng dưới của Đài, thiết kế hòn non bộ trên đó có cái tháp hình Thái cực sinh Lưỡng nghi, Tứ tượng, Bát Quái gọi là Linh Tiêu Tháp. Linh Tiêu tháp vừa biểu tượng cho vũ trụ quan Cao Đài vừa biểu tượng cho Thiên Tâm đều có trong mỗi người (tiểu vũ trụ) là “Linh Tiêu nhất tháp thị Cao Đài 靈 宵 一 塔 是 高 臺”.
Trong chúng ta, nếu ai tu cho đúng hai chữ “Cao Đài” thôi, cũng đủ cho “Thần khâm quỉ phục”
và “thoát tục siêu phàm” rồi ! Bởi suy ra hình tượng của hai chữ Cao Đài ta có trục Bắc Nam thẳng đứng, phần trên là CAO của “Cao như Bắc khuyết”, phần dưới là ĐÀI của “Đài tại Nam phương”:

 a)Trục dọc phần trên là một chiều tâm linh hướng thượng (tại Thiên); là “Cao thượng Chí Tôn Đại Đạo hoà bình dân chủ mục ”: Đức Chí Tôn ở trên cao, dùng linh điển giáng trần mở Đại Đạo với mục tiêu đem lại hòa bình và dân chủ.

Vậy chúng ta hiểu thế nào về chữ hòa bìnhdân chủ trong câu liễn ? Nếu chúng ta hiểu chữ hòa bình phản nghĩa với chiến tranh, dân chủ phản nghĩa với quân chủ, độc tài thì chẳng lẽ Đức Chí Tôn mở Đạo ra để hụ hợ công việc mà người đời trên thế giới đã và đang làm ? Nên chi, Hoà ở đây thuộc phạm vi tâm linh, là cái đạo trung hòa, được mô tả trong sách Trung Dung: “Hỉ, nộ, ai, lạc chi vị phát vị chi Trung; phát nhi giai trúng tiết vị chi Hoà 中; ”: Mừng, giận, buồn, vui chưa phát ra gọi là Trung; phát ra đều trúng tiết cả, gọi là Hòa. Nhưng thế nào là trúng tiết ? Là hợp với lễ phép, với trật tự trong khuôn khổ đạo đức. Thí dụ: Mừng vì sự tu hành tiến bộ của người khác; giận vì ta cứ lầm lỗi hoài; buồn vì nhơn sanh còn khổ; vui vì làm được việc thiện…

Bình là “Bình thường tâm 平 常 心”, ở vào thế “phục vị”, trung dung; trở về chỗ cũ của mình, như
kim của cán cân chỉ số 0 chính giữa, không thiên bên nầy không lệch bên kia. Tâm bình là tâm tĩnh lặng, không bị xao động bởi vọng trần; Tâm thường là tâm không dời không đổi, không diễn biến vô thường, ấy là chơn tâm hay Thiên tánh.

Còn chữ dân chủ ở đây có nghĩa như “nhân chủ”, vì dân cũng là nhân. Con người làm chủ chính mình, an nhiên tự tại nhưng không bị vật dục lôi cuốn hay che mờ tâm linh; mặt khác không bị nô dịch bởi bất kỳ đối tượng nào.

Thế nên, hoà bình, dân chủ theo chiều hướng thượng là chơn tâm trung chính, không thiên lệch bởi sự tương tác của vọng thức phàm trần như tham, sân, si và thất tình lục dục; đồng thời thật sự làm chủ-nhơn-ông lấy mình theo phương thức “Thầy là các con, các con là Thầy”.

b) Trục dọc phần dưới là chiều cộng thông nhân tình thế sự; là “Đài tiền sùng bái Tam Kỳ cộng hưởng tự do quyền 臺 前 崇 拜 三 期 共 享 自 由 權”:Tôn kính lễ lạy trước Bát Quái Đài sẽ hưởng chung quyền tự do trong Tam Kỳ Phổ Độ.

“Quyền tự do” đây không phải là “quyền tự do” trong Hiếp Pháp của Nhà nước qui định, vì nếu ai kính lạy Đức Cao Đài mà hưởng được quyền tự do thì có lẽ người ta sẽ ùn ùn nhập môn theo đạo Cao Đài hết rồi ! Cho nên “quyền tự do” ở cuối câu liễn
có nghĩa là sự giải thoát khỏi những nghiệp chướng ràng buộc thân tâm con người, để mãi mãi chuyển luân trong kiếp phù sinh, lặn hụp trong sông sầu biển khổ, có lúc nào tâm trí được tự do tự tại đâu ? Sống theo nếp sống đạo, không sanh sự thì sự không sanh, sự không sanh thì trái oan không buộc, trái oan không buộc thì không khổ đau; dụng sự khổ đau mà lo việc ích nhơn lợi vật thì khổ đau sẽ biến thành an lạc. Chỉ có cách bước theo năm bước hành đạo của Ngũ Chi: Tùng Khổ của Hiền, Thắng Khổ của Thần, Thọ Khổ của Thánh, Thoát Khổ của Tiên và Giải Khổ của Phật mới thật sự đạt tới mức Tuyệt Khổ, mới thật sự nhận lấy “tự do quyền” bằng chính công sức của mình chớ không phải tự dưng mà ai ban cho được.

Tóm lại, tất cả những biểu tượng ở Đài Ngưỡng Thiên đều là những trang Kinh Vô Tự để chúng ta quán sát và truy cầu nghĩa lý, từ đó rút ra những bài học về “Tâm pháp” để bổ sung cho đường lối song tu Phước Huệ của Tiên Thiên Đại Đạo. Khi đã hiểu và hành theo “Tâm pháp” ấy thì tự nhiên trạng thái hoà bình sẽ hiển hiện ở nội tâm, những nỗi băn khoăn, căng thẳng và sợ hãi sẽ biến mất để nhường chỗ cho an bình và hạnh phúc, làm tiêu điểm lan tỏa tinh thần đạo nghĩa hoà bình ra ngoại giới.

HOÀ BÌNH NGOẠI GIỚI:

Ngoại giới là thế giới bên ngoài, thuộc về tha nhân. Nếu nói thế giới (world) là hoàn cầu, địa cầu hay cả thế gian mhân loại thì rất xa vời, chúng ta mà đi gieo hạt hòa bình, thực hiện đạo nghĩa hòa bình cho thế giới theo nghĩa ấy là mông lung không tưởng, chẳng bao giờ có được. Cho nên thế giới mà ta muốn đề cập ở đây là cảnh giới ngoài đời, ngoài xã hội gần gũi ta nhất. Vậy Đạo Nghĩa Hòa Bình phải được thực hiện bằng cách nào ?

Ở phần trên, do quá trình tu thân khắc kỷ, ta có được hòa bình nội tâm, và bây giờ từ nội tâm hòa bình đó sẽ thể hiện ra ngoài trong những tình huống tiếp cận nhân tình.
          Đức Lý Giáo Tông dạy:
          “Đạo nghĩa hoà bình phải được đứng trên những sự tranh chấp thế nhân, bằng ngược lại chư hiền vô tình làm tay sai cho tà quái.
          Vậy hàng sứ giả hoà bình phải tìm lối Tiên mà đi trên muôn nẻo tục; đem đạo nghĩa hoà bình gieo khắp đó đây, tức là đem đạo vào đời.…
 [Đàn cơ tại NSQ năm1968]

          Đoạn Thánh giáo trên ta thấy có hai ý chính:
         
1. “Đạo Nghĩa Hoà Bình phải được đứng trên những sự tranh chấp thế nhân”:
Là không khuynh tả khuynh hữu, giữ vững ở vị thế Trung Hòa, thuần chơn vô ngã để có thể tiếp cận và đối thoại với cả đôi bên đang là đối tượng tranh chấp nhau giữa người nầy với người nọ; nhóm nầy với phe kia hay nước nầy với nước khác.

Người thực hiện Đạo nghĩa hòa bình còn là sứ giả của Thượng Đế mang thông điệp về sự bình an cho mọi người không phân biệt thân sơ, hèn sang, cao thấp, nên điều kiện cần có ở sứ giả là phải đầy đủ bản lĩnh kiên cường, bình tỉnh, nhẫn nại để vượt qua những trở lực trong quá trình thực thi sứ mạng. Nếu không sẽ dễ dàng bị chệch hướng sa vào vòng xoáy của sự phân tranh mà Đức Lý Giáo Tông gọi là “vô tình làm tay sai cho tà quái”.


 2.“Sứ giả hoà bình phải tìm lối Tiên mà đi trên muôn nẻo tục”:
Ta hiểu thế nào về cụm từ “tìm lối Tiên mà đi trên muôn nẻo tục” ? Nếu hiểu “lối Tiên” như đường Tiên, nẻo Tiên thì không ổn, vì chẳng lẽ: tìm “nẻo” Tiên mà đi trên muôn “nẻo” tục ? Nẻo Tiên, nẻo tục cách xa nhau, đâu có thể tìm được nẻo Tiên xong rồi bỏ đó, chuyển sang qua nẻo tục mà đi ? Thế nên, “lối Tiên” được hiểu là đường lối tu hành theo Tiên Đạo; trang bị cho mình đầy đủ hành trang do Cao Đài Tiên Ông ban cho để bước đi trên muôn nẻo đường đời, hóa độ nhơn sanh mà không sợ bị mùi tục lụy lây nhiễm vào mình.

Vậy “lối” của Tiên là gì ? Là những bài Kinh Vô Tự từ những biểu tượng trên Đài Ngưỡng Thiên đó ! Hàng sứ giả chỉ chiêm nghiệm ý nghĩa của những biểu tượng mà tu theo đó thôi, cũng đủ năng lực nội tại để “đem đạo nghĩa hoà bình gieo khắp đó
 đây, tức là đem đạo vào đời”  rồi. Nhưng thế nào là “đem Đạo vào đời” ? Dù là chức sắc, chức việc hay tín đồ của Cao Đài Tiên Thiên đều cũng đang sống chung đụng giữa trần đời trong những sinh hoạt thường nhật, cũng làm ăn, cũng  quan hệ   hội không khác chi người đời, có điều chúng  ta mang thêm trong mình sứ mạng “đem Đạo vào đời”, nên có những việc làm xem như ngược đời. Chẳng hạn như:

- Đời say, ta tỉnh. Chớ không phải “đời say ta cũng cố nên say”. Đời đục, ta trong. Chớ không phải thấy dòng đời đục cả ta lội xuống quậy đục thêm thì còn ai sống nỗi trong cuộc đời đó nữa ?

- Đời ích kỷ tranh hơn tranh thua; ta vị tha chan hòa nhường nhịn.

- Đời dối gian, vì lợi ích cá nhân mà không tôn trọng luật pháp nước nhà; ta thật lòng thượng tôn pháp luật, đặt quyền lợi của dân của Nước lên trên.

- Đời ghét ganh, đố kỵ hiền tài; ta mến mộ trọng dụng hiền tài.

- Đời dụng tư tâm chia rẽ, oán chạ thù vơ; ta lấy  công tâm đoàn kết thương yêu, bao dung tha thứ.

- Đời luôn tính toan mưu nầy chước nọ để được lợi mình hại người; ta luôn định tâm gieo tư tưởng lành cầu nguyện cho mọi người, cho thế giới chuyển mê thành giác, bình an trong cuộc sống đến ngày Long Hoa Đại Hội.

Đại khái theo “lối Tiên” là như thế, là đem Đạo vào đời, Đạo có sáng thì Nuớc mới vinh; không như “lối tục” là đem đời vào Đạo, làm cho hư danh Đạo, ố danh Thầy. Thế nên:

Đời không Đạo như thuyền không lái,
Đạo không đời, Đạo phải về đâu ?
Vì đời còn lắm bể dâu,
Đời xa bến Đạo để sầu triền miên” (?)

ĐOẠN KẾT:

          Một dân tộc được chọn để Đức Chí Tôn ban truyền nền Đạo Cao Đài là dân tộc Việt Nam, và nơi được chọn khai sáng nền Đạo là miền Nam nước Việt. Còn nơi mà Đức Chí Tôn chọn để phóng phát nguồn điển quang cầu nguyện hoà bình và đặt  định  sứ mạng vì “Đạo nghĩa hoà bình” là Ngọc Sơn Quang như thánh giáo từ năm 1938:

                   “Thầy hạ bút lập cơ tiền định,
                   Ngọc Sơn Quang chấn chỉnh Kỳ Ba;
                             Đồng tâm liên kết chữ HÒA
               Ngũ châu rỡ mặt, Đạo nhà vẻ vang”.
[ĐẠI ĐẠO Q.N L.L q.nhì 1938-Đàn cơ tại Ngọc Sơn Quang mùng 6.4.12]

 Vì lẽ nơi đây được chọn làm thí điểm cho “Đạo nghĩa hòa bình” theo “cơ tiền định”, nên Thầy dạy trong Kỳ Ba nầy, Ngọc Sơn Quang phải được chấn chỉnh toàn diện, nhứt là sự “đồng tâm, liên kết” để bảo đảm cho chữ “Hòa” được bền vững.

Trải qua 63 năm, nhưng lời dạy của Thầy vẫn in như mới. Có đồng tâm hợp ý mới có sự chung tay liên kết và thể hiện được chữ Hoà. Chớ như trong chúng ta khi tụ nhau lại để bàn bạc chung lo việc đạo mà kẻ thì dẫn “trâu trắng”, người thì cỡi “trâu đen”, mỗi người mỗi góc, bo bo bảo thủ quan điểm riêng của mình, không dung hòa dược ý tưởng của người khác nên không tìm ra được cái gì chung nhất; không
chứng minh được là chúng ta đang sống hòa bình với nhau trong một gia đình, trong một ban ngành của tổ chức tôn giáo thì lấy đâu ra tâm tư chí  thành chí kỉnh để cầu nguyện hòa bình cho thiên hạ; lấy đâu ra tư tưởng trọn lành để gieo bủa khắp chúng sanh ?

Cho nên, muốn có được sự “Đồng tâm liên kết chữ HÒA” như lời giáo huấn của Thầy thì trước hết chúng ta xem lại việc tu thân của mình bằng cách luyện cái Tâm theo 5 biểu tượng của Đài Ngưỡng Thiên như đã trình bày phần trên. Khi chơn tâm an trú chỗ trung hòa thì Thiên Tâm hiển hiện. Thiên Tâm hiển hiện mới ứng với câu “Thầy là các con, các con là Thầy” “Thầy là Cha của sự thương yêu” thì ít ra chúng ta cũng là con của Sự Thương Yêu. Do bởi sự thương yêu nên Thầy mới tạo ra càn khôn thế giới, thì chúng ta cũng do bởi sự thương yêu mới tạo ra sự hòa bình nội tâm và thực thi sứ mạng “Đạo Nghĩa Hòa Bình”, hẩu cho “Ngũ châu rỡ mặt, Đạo nhà vẻ vang”./-
THANH C ĂN
13.11 Canh Dần (2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét